Để được sử dụng xe máy (xe mô tô) tham gia giao thông cần phải có bằng lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Dưới đây là những thông tin thiết yếu về đặc điểm, phân loại cũng như điều kiện dự thi và các quy định về sát hạch cấp bằng lái xe máy.
1. Bằng lái xe máy, xe mô tô là bằng gì?
Đa phần chúng ta đều chưa phân biệt rõ các khái niệm xe máy, xe mô tô hay xe gắn máy. Điều này dẫn tới nhiều thắc mắc về những quy định của pháp luật đối với các loại xe này, trong đó có thông tin về bằng lái xe máy. Vậy thì bằng lái xe máy là bằng gì? Trước hết cùng tìm hiểu khái niệm về xe máy, xe mô tô.
1.1 Xe máy, xe mô tô là gì?
Trên thực tế, pháp luật Việt Nam không có văn bản quy định cụ thể về khái niệm xe máy. Đây chỉ là tên thường gọi của xe mô tô. Do đó, có thể hiểu mỗi khi nhắc đến xe máy chính là nhắc đến xe mô tô.
Theo nội dung đã được quy định tại Khoản 3.39 Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành năm 2016 (QCVN-41:2016/BGTVT) thì xe mô tô (còn gọi là xe máy) là phương tiện xe cơ giới có hai hoặc ba bánh và các loại xe được thiết kế tương tự, di chuyển bằng động cơ mà dung tích xy lanh đạt từ 50 cm3 trở lên, xe có tải trọng của bản thân xe không quá 400 kg.
Cơ chế chuyển động của xe mô tô, xe máy theo chiều trước – sau. Thông thường, người lái xe máy điều khiển xe bằng phần tay lái được nối liền với trục của bánh trước. Các hãng sản xuất xe mô tô nổi tiếng hàng đầu Việt Nam hiện nay là Honda, Yamaha và Suzuki.
Nhắc đến xe mô tô, xe máy cần phân biệt với khái niệm xe gắn máy. Xe gắn máy là khái niệm chỉ loại phương tiện hoạt động bằng động cơ, cũng có hai hoặc ba bánh nhưng vận tốc thiết kế lớn nhất bằng hoặc dưới 50 km/h.
Lái xe gắn máy tham gia giao thông không yêu cầu có bằng lái, nhưng nếu sử dụng xe mô tô thì bắt buộc phải có bằng và đem theo bằng lái khi ra đường.
1.2 Bằng lái xe máy, xe mô tô là gì?
Khi có ý định sử dụng phương tiện xe máy lưu thông trên đường bộ thì ngoài việc hiểu về khái niệm xe máy, xe mô tô thì người lái xe cũng cần biết bằng lái xe máy là bằng gì hay bằng lái mô tô là bằng gì và có những loại nào?
Bằng lái xe máy (hay còn gọi là giấy phép lái xe máy) là loại chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân được phép lưu thông và vận hành xe máy – xe mô tô trên đường bộ. Chỉ khi lấy được bằng lái xe, người điều khiển xe máy, xe mô tô mới đáp ứng điều kiện về pháp lý để tham gia giao thông.
Người lái xe máy (xe mô tô) bắt buộc phải hoàn thành chương trình sát hạch bằng lái xe máy, đồng thời, đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe lái xe và nhận thức được hành vi của bản thân. Hạng giấy phép lái xe máy thấp nhất phải có là hạng A1.
Lưu ý: Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có quy định về người điều khiển xe máy điện mà có công suất lớn hơn 4kW, vận tốc đạt mức trên 50km/h thì cần có bằng lái A1 khi tham gia giao thông.
2. Các loại bằng lái xe máy, xe mô tô hiện nay
Căn cứ theo nội dung Thông tư Số 12/2017/TT-BGTVT, giấy phép lái xe máy gồm 4 loại A1, A2, A3, A4. Mỗi hạng bằng lái xe máy, mô tô đều có quy định riêng về loại phương tiện được điều khiển, điều kiện được cấp bằng cũng như thời hạn hiệu lực của bằng lái xe.
- Hạng A1: Người sở hữu được phép điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh trong giới hạn từ 50cm3 đến dưới 175cm3; người khuyết tật điều khiển xe mô tô 3 bánh dành cho người khuyết tật. Gplx A1 cấp cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và không giới hạn thời gian sử dụng.
- Hạng A2: Người sở hữu được phép điều khiển loại xe mô tô 2 bánh với dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên và các xe được quy định cho giấy phép hạng A1. Gplx A2 cấp cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và cũng không giới hạn thời gian sử dụng.
- Hạng A3: Người sở hữu được phép điều khiển các loại xe mô tô 3 bánh (bao gồm cả xích lô máy, xe lam) không giới hạn phân khối và các xe quy định cho hạng A1. Gplx A3 cấp cho đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên và không có giới hạn về thời gian sử dụng
- Hạng A4: Người sở hữu được phép điều khiển các loại máy kéo có trọng tải thiết kế dưới 1.000kg. Thời hạn sử dụng bằng lái xe hạng A4 là 10 năm tính từ ngày cấp bằng.
Nội dung quy định ở trên là câu trả lời cho thắc mắc bằng lái xe máy là hạng gì? Đó chính là các hạng bằng lái xe mô tô A1, A2, A3 và A4.
3. Bằng lái xe máy màu gì?
Mẫu giấy phép lái xe mô tô mới nhất năm 2024 có hoa văn màu vàng rơm, phôi được làm bằng vật liệu nhựa PET (chịu nhiệt tốt, độ bền cao), có lớp màng bảo an bao phủ hai mặt và chứa ký hiệu bảo mật chống làm giả.
Bằng lái xe máy được thiết kế với kích thước 8,56 x 5,398 x 0,076 cm, có in trực tiếp ảnh của người lái xe. Mặt trước của bằng chứa các nội dung như số bằng, họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, đồng thời ghi rõ hạng gplx, giá trị thời hạn sử dụng,… Mặt sau của bằng là thông tin ngày trúng tuyển cũng như quy định về loại phương tiện mà hạng bằng được phép điều khiển.
4. Bao nhiêu tuổi có thể thi bằng lái xe máy?
Về độ tuổi thi bằng lái xe máy được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi được phép lái xe gắn máy có dung tích xy lanh dưới 50cm3.
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên được phép lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên.
Như vậy, quy định về độ tuổi thi bằng lái xe máy các hạng là từ đủ 18 tuổi trở lên và tuổi tính đến ngày tham gia thi sát hạch bằng lái xe.
Trường hợp các bạn học sinh chưa đủ tuổi để điều khiển và được cấp phép lái xe máy theo quy định thì không nên tự ý lái xe. Thay vào đó, có thể tham khảo những dòng xe đạp điện hoặc xe gắn máy phân khối nhỏ dưới 50cc để đảm bảo an toàn, hợp pháp.
5. Bằng lái xe máy có thời hạn sử dụng là bao lâu?
Ngoài thắc mắc bằng lái xe máy là bằng gì thì thông tin về thời hạn của các hạng bằng lái xe máy cũng rất cần thiết cho người lái xe. Đương nhiên, mỗi hạng bằng lái sẽ có một thời hạn sử dụng riêng biệt. Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (bổ sung bởi Khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT) quy định về thời hạn của bằng lái xe máy như sau:
Giấy phép lái xe các hạng A1, A2 và A3 là vô thời hạn.
Giấy phép lái xe hạng A4 có thời hạn hiệu lực là 10 năm, tính từ ngày cấp bằng.
Người lái xe cần quan tâm đến giá trị thời hạn sử dụng của bằng và làm thủ tục gia hạn khi cần thiết để tránh vi phạm pháp luật cũng như các vấn đề rủi ro không đáng có.
6. Thi bằng lái xe máy bao nhiêu câu?
Để được cấp giấy phép lái xe máy, người điều khiển phải tham gia kỳ thi sát hạch với các bài thi về lý thuyết và thực hành lái xe. Nếu đạt số điểm tối thiểu theo yêu cầu sẽ được cấp bằng.
Phần lý thuyết có cấu trúc đề thi như sau:
- Tổng số câu hỏi: 25 câu hỏi trắc nghiệm trong đó có 01 câu hỏi điểm liệt bắt buộc phải trả lời đúng. (mỗi thí sinh dự thi sẽ làm một đề khác nhau).
- Thời gian làm bài: 19 phút.
- Yêu cầu Đạt:
- Bằng lái xe máy A1: đúng ít nhất 21/25 câu hỏi;
- Bằng lái xe máy A2: đúng ít nhất 23/25 câu hỏi;
- Bằng lái xe máy A3: đúng ít nhất 23/25 câu hỏi;
- Bằng lái xe máy A4: đúng ít nhất 23/25 câu hỏi.
Lưu ý: Người đã có giấy phép lái xe ô tô do ngành Giao thông vận tải cấp khi dự thi sát hạch giấy phép lái xe hạng A1 sẽ được miễn sát hạch lý thuyết.
Phần thực hành bao gồm lần lượt các bài thi đánh giá kỹ năng lái xe thực tế của người dự sát hạch.
- Các hạng bằng lái A1, A2: Thí sinh phải sử dụng xe mô tô thực hiện 04 bài thi: đi theo hình vòng số 8, qua vạch đường thẳng, qua đường có vạch cản và qua đường gồ ghề;
- Sát hạch các hạng A3, A4: Thí sinh phải điều khiển xe thực hiện yêu cầu tiến qua hình chữ chi và lùi xe theo hướng ngược lại.
Đối với phần thực hành, nếu đạt được tối thiểu 80/100 điểm thì thí sinh sẽ Đạt yêu cầu và hoàn thành kỳ thi sát hạch cấp GPLX của mình.
Quy định hiện hành bắt buộc người lái xe phải vượt qua phần thi lý thuyết mới được tham gia thi thực hành. Đồng thời, nếu trả lời sai câu hỏi điểm liệt ở phần lý thuyết sẽ bị đánh Trượt và phải tham gia sát hạch lại vào kỳ thi sau.
7. Luật thi bằng lái xe máy năm 2024
Thi sát hạch lái xe là bước quan trọng tất yếu quyết định người lái xe có hay không được cấp giấy phép lái xe máy. Nội dung dưới đây sẽ điểm qua những thông tin quan trọng về luật thi bằng lái xe máy mới nhất năm 2024.
7.1 Quy định về điều kiện thi
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, người lái xe phải đáp ứng những yêu cầu về sức khỏe, độ tuổi nhất định mới được tham gia thi sát hạch cấp GPLX. Các quy định về điều kiện đối với người dự thi sát hạch bằng lái xe máy bao gồm:
- Người dự thi phải là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hoặc đang học tập, làm việc một cách hợp pháp tại Việt Nam.
- Phải đáp ứng đủ từ 18 tuổi trở lên, quy định tuổi tính đến ngày dự thi sát hạch.
- Phải đảm bảo đủ sức khỏe lái xe an toàn. Trước khi dự thi bằng lái xe, người dự thi phải trải qua quy trình khám sức khỏe, bao gồm việc kiểm tra những khía cạnh như tâm thần, thị lực hay khả năng vận động và các yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe một cách an toàn.
Đối với các Trung tâm sát hạch lái xe, để có đủ thẩm quyền về pháp lý trong thực hiện đào tạo sát hạch cấp gplx cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Phải đáp ứng những điều kiện được Chính phủ quy định;
- Đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo đúng quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ;
- Phải sử dụng các thiết bị có ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời, chịu sự giám sát các nội dung bài sát hạch của cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
7.2 Quy định về quy trình thi sát hạch
Khi đáp ứng các yêu cầu dự thi, người muốn lấy bằng lái xe máy cần thực hiện quy trình dự thi sát hạch cấp gplx. (theo quy định Khoản 3 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT đã được bổ sung bởi các điểm a, b Khoản 13 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT).
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ dự thi bao gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị học và sát hạch để cấp gplx (mẫu tại Phụ lục 7 ban hành kèm Thông tư 12/2017/TT-BGTVT);
- Bản photo thẻ căn cước công dân của người dự thi hoặc hộ chiếu còn thời hạn;
- Bản photo hộ chiếu đang còn thời hạn lớn hơn 06 tháng cùng thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc CMT ngoại giao hoặc CMT công vụ đối với thí sinh là người nước ngoài;
- Giấy khám sức khỏe của người dự sát hạch cấp bởi cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định.
Bước 2: Đăng ký thi sát hạch bằng lái xe máy. Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, người dự thi cần nộp hồ sơ đăng ký dự thi tới trung tâm hoặc cơ sở tổ chức thi sát hạch uy tín. Các Trung tâm có trách nhiệm tổng hợp danh sách thí sinh dự thi gửi kèm hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh hoặc đến Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Bước 3: Tham dự sát hạch lái xe máy. Người dự thi tiến hành bài thi của mình (gồm lý thuyết và thực hành) dưới sự giám sát của các sát hạch viên.
Bước 4: Nhận kết quả: Nếu thi Đạt kỳ sát hạch, thí sinh sẽ được nhận bằng sau khoảng 1-2 tuần. Nếu thi trượt lý thuyết, thí sinh được phép đăng ký thi lại vào kỳ sát hạch sau. Nếu đạt Lý thuyết mà trượt thực hành thí sinh sẽ được bảo lưu kết quả thi lý thuyết và được tham gia thi thực hành trong những kỳ sát hạch sau (thời gian bảo lưu kết quả lý thuyết không quá 01 năm).
7.3 Quy định về thời gian học thi
Thời gian đào tạo thi bằng lái xe mô tô được quy định rõ tại Điều 12 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (Thông tư quy định về việc đào tạo, thi sát hạch, cấp gplx cơ giới đường bộ). Theo đó, tổng thời gian học cấp giấy phép lái xe máy bao gồm:
- Bằng A1: Tổng thời gian học bằng lái xe máy là 12 giờ, trong đó 10 giờ học lý thuyết và 2 giờ học thực hành.
- Bằng A2: Tổng thời gian học bằng xe máy là 32 giờ, trong đó 20 giờ học lý thuyết và 12 giờ học thực hành.
- Bằng A3: Tổng thời gian đào tạo học bằng lái xe máy là 80 giờ, trong đó 40 giờ học lý thuyết và 40 giờ học thực hành.
- Bằng A4: Tổng thời gian đào tạo học bằng lái xe máy là 80 giờ, trong đó 40 giờ học lý thuyết và 40 giờ học thực hành.
7.4 Quy định về nội dung thi
Quy định về nội dung đào tạo thi sát hạch bằng lái xe máy được ghi trong Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Bài sát hạch gồm hai phần lý thuyết và thực hành, được gói gọn vào cùng ngày thi.
Trong cả hai phần lý thuyết và thực hành, khi bắt đầu thi thì sát hạch viên sẽ gọi tên và xác nhận nhân thân của người dự thi; khi kết thúc mỗi phần thi sát hạch viên ký tên và đồng thời yêu cầu các thí sinh ký xác nhận vào tờ biên bản tổng hợp kết quả thi sát hạch, biên bản sát hạch phần thực hành lái xe máy trong hình.
7.4.1 Quy định về phần thi lý thuyết
Về lý thuyết bộ đề sát hạch cấp bằng lái xe máy các hạng A1, A2, A3 và A4 gồm 25 câu, trong đó:
- 01 câu về các khái niệm;
- 01 câu hỏi điểm liệt (về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng);
- 06 câu về quy tắc khi tham gia giao thông;
- 01 câu về tốc độ xe chạy và khoảng cách giữa các xe;
- 01 câu về nội dung văn hóa giao thông và đạo đức của người lái xe;
- 01 câu về kỹ thuật lái xe cũng như cấu tạo sửa chữa;
- 07 câu về hệ thống các loại biển báo giao thông đường bộ;
- 07 câu về phương pháp giải các thế sa hình và kỹ năng xử lý các tình huống giao thông.
Bên cạnh đó, theo Công văn 1883/TCĐBVN-QLPT&NL được Tổng cục đường bộ Việt Nam ban hành ngày 30/03/2020 thì nội dung thi sát hạch bằng lái xe máy được chọn lọc từ bộ 600 câu hỏi trắc nghiệm dùng cho sát hạch lái xe ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2020 và được áp dụng từ ngày 01/06/2020.
Đối với các hạng bằng lái xe máy, mỗi thí sinh dự thi sẽ có 19 phút để làm bài thi lý thuyết. Yêu cầu đạt của phần lý thuyết là 21/25 câu với hạng A1 và 23/25 câu với các hạng A2, A3, A4. Ngoài ra, phải trả lời đúng câu hỏi điểm liệt có trong đề thi. Người thi đạt phần lý thuyết sẽ được chuyển qua thi thực hành, người trượt lý thuyết sẽ phải thi lại ở những kỳ thi sau.
7.4.2 Quy định về phần thi thực hành
Đối với phần thực hành, người dự thi bằng lái xe mô tô sẽ trải qua các bài lái xe trong hình. Khi tham gia thi, cần lưu ý quy định về các bước điều khiển xe như sau:
- Khi được gọi tên và kiểm tra giấy tờ tùy thân, người dự thi chọn đúng xe được đọc, cài mũ bảo hiểm, dừng xe ở trước vạch xuất phát và chờ đợi hiệu lệnh của sát hạch viên;
- Khi hiệu lệnh xuất phát vang lên, điều khiển xe máy tiến qua hình số 8, đường gồ ghề với bằng A1, A2 hoặc hình chữ chi với bằng A3, A4.
- Với bằng lái A1, A2 khi bánh xe phía sau của xe vượt qua vạch trắng kết thúc của hình vẽ sát hạch thì lái xe về khu vực ban đầu nhận xe;
- Với bằng A3, A4 khi qua vạch kết thúc tầm 1m cần tiến hành lùi xe đi theo hướng ngược lại cho tới khi bánh trước của xe đi qua vạch đánh dấu điểm bắt đầu của hình thi sát hạch.
Yêu cầu cần đạt được của người dự thi thực hành là phải:
- Lái xe đi đúng theo trình tự của bài sát hạch;
- Bánh xe không đè lên vạch giới hạn của hình sát hạch;
- Xe không bị chết máy trong quá trình thi sát hạch;
- Hoàn thành bài thực hành sát hạch trong thời gian không quá 10 phút;.
- Trong thời gian thi, tốc độ xe máy chạy không vượt quá 20 km/h.
Khi thi thực hành, người dự thi cũng cần lưu ý tránh các lỗi dẫn đến bị trừ điểm, cụ thể là:
- Lái xe không đi đúng trình tự bài sát hạch yêu cầu, trường hợp này sẽ bị truất quyền sát hạch;
- Khi đi làm bánh xe đè chèn lên vạch giới hạn của hình sát hạch, mỗi lần đè vạch sẽ bị trừ 10 điểm;
- Khi đi làm bánh xe đi vượt ra ngoài vạch giới hạn của hình sát hạch, trường hợp này cũng sẽ bị truất quyền thi sát hạch;
- Lúc điều khiển xe gây ra rung giật mạnh, đối với mỗi lần rung giật sẽ bị trừ 05 điểm;
- Thời gian lái xe thực hiện bài thi sát hạch lâu hơn 10 phút, cứ quá 01 phút sẽ bị trừ 05 điểm;
- Người dự thi xử lý tình huống gặp phải không hợp lý gây ra tai nạn xe, sẽ bị truất quyền sát hạch;
- Điều khiển xe mô tô bị chết máy, mỗi lần chết máy bị trừ 10 điểm;
- Người dự thi không thể hoàn thành bài thi thực hành cấp giấy phép lái xe sẽ bị truất quyền sát hạch;
Nếu điểm sát hạch phần thực hành dưới 80 điểm, người dự thi bị truất quyền sát hạch.
Loại xe dùng để tham gia thi thực hành của mỗi hạng bằng lái là khác nhau và được cơ sở sát hạch chuẩn bị trước. Do vậy khi dự thi, người lái xe không cần mang theo xe và không được phép tự ý sử dụng xe của mình để thực hiện bài sát hạch lái xe trong hình.
7.5 Quy định về lệ phí thi
Như nội dung Thông tư 37/2023/TT-BTC, người thi sát hạch bằng lái xe máy bắt buộc phải chi trả các khoản phí, lệ phí theo quy định bao gồm:
- Lệ phí sát hạch lý thuyết: 60.000 đồng/lần.
- Lệ phí sát hạch thực hành: 70.000 đồng/lần.
- Lệ phí để cấp bằng lái xe máy: Với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp là 135.000 đồng/lần; trường hợp nếu nộp hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến từ ngày 01/12/2023 đến ngày 31/12/2025 thì đóng lệ phí là 115.000 đồng/lần.
Ngoài các khoản phí quy định trên ra, người thi có thể sẽ phải chi trả một số khoản phí phát sinh khác như: chi phí ăn uống, phí khám sức khỏe lái xe, phí chụp in ảnh thẻ, phí hoàn thiện hồ sơ tại trung tâm thi sát hạch (nếu cần thuê dịch vụ làm hồ sơ để thi bằng lái xe mô tô), phí cho việc thử thực hành lái xe trên sân thi,…
Ngoài các quy định đang hiện hành, theo bản Dự thảo số 4 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được trình Quốc hội thảo luận, Bộ Công An đã đề xuất bãi bỏ bằng lái xe các hạng A1, B1, B2 từ ngày 01/7/2024. Theo đó, các giấy phép lái xe đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ được tiếp tục sử dụng, đối với các trường hợp cụ thể có thể được đổi hoặc cấp lại theo phân hạng mới.
Trên đây là những thông tin về bằng lái xe máy và các quy định mới nhất về thi bằng lái xe mô tô hiện nay. Để quá trình học thi cấp bằng lái xe máy năm 2024 diễn ra thuận lợi, người học hãy xác định rõ hạng bằng lái phù hợp với nhu cầu của mình và liên tục cập nhật thông tin về luật thi bằng lái xe máy mới nhất nhé!.
Bài Viết Mới